Mỗi người sống trong ngôi nhà của mình là sống với một tiểu vụ trụ được tạo lập trong mối quan hệ với vùng cư trú chung quanh, rộng hơn là đại vũ trụ bên ngoài. Kinh nghiệm đơn giản của cha ông thuở xưa khi chọn đất cất nhà là: tạo cho tiểu vũ trụ có sự mô phỏng và tương đồng với đại vũ trụ. Nghe qua thì thấy đơn giản, nhưng thực tế thế nào là “mô phỏng thiên nhiên” thì không đơn giản chỉ ở mấy chậu cây xanh hay hòn non bộ. Nếu ưa chuộng hình khối đơn giản, vật liệu tân kỳ, đường nét mạnh mẽ… thì chắc hẳn một số gia chủ sẽ phải suy nghĩ lại xem “đường thẳng có phải là đường gần nhất” không khi thấy các nguyên tắc phong thủy lại thường hay đề cao yếu tố mềm mại, uốn lượn, tránh trực xung, khúc tắc hữu tình (uốn lượn có duyên).
Xét về bản chất văn hóa, yếu tố uốn lượn mềm mại là đặc thù của phương Đông không chỉ trong bố cục không gian mà còn từ lời ăn tiếng nói, cách tiếp cận vấn đề, tư duy xử lý tình huống… luôn có một độ “co giãn, vòng vèo" nhất định, như một dạng văn hóa ứng xử tương tự dòng nước, như cây cối, mềm mại và linh hoạt để hướng đến sự hài hòa.
Rõ ràng là cả thế giới ngày càng “phẳng” hơn với sự giao lưu Đông - Tây mạnh mẽ, dĩ nhiên những dạng nhà “kiểu Tây” hiện đại vuông vức ngày càng được ưa chuộng. Bên cạnh đó, các trang tâm tư vấn cũng nhận được vô số thắc mắc: cửa ra vào nhà thẳng hàng với cửa hậu, thì sẽ khiến của cải trong nhà “đội nón ra đi” ? Tại sao các siêu thị, nhà hàng làm cầu thang đổ thẳng ra cửa chính thì được, mà nhà ở thì lại kiêng ? Hay là: nhà tôi vuông vức quá, nhiều đường thẳng quá, có phải đó là lý do khiến...quan hệ gia đình trở nên khô khan, căng thẳng?
Dĩ nhiên từ đường thẳng trong nội thất đến thái độ căng thẳng trong giao tiếp thì... chưa chắc liên hệ với nhau, nhưng rõ ràng là tâm lý con người luôn thay đổi, sinh lý cũng có lúc khỏe lúc yếu trong mỗi ngày, mỗi tuần, vậy thì sự co giãn, mềm mại theo nghĩa rộng luôn là điều nên xem xét để môi trường sống được tốt hơn.
Có nhiều câu trả lời cho các vấn đề trên, tùy thuộc ở quan niệm về sự hài hòa để giữ gìn nội khí cho nơi ở, tránh Trực Xung, tăng Khúc Tắc (uốn lượn) để từ đó gia tăng Nội khí, qua các vấn đề sau:
- Mục đích sử dụng, quy mô không gian khác nhau sẽ dẫn đến bố trí khác nhau. Không gian công cộng, thương mại, quán xá vốn xem yếu tố thu hút khách là ưu tiên hơn cả, nên khu vực cầu thang, sảnh và hành lang … phải làm sao cho ấn tuộng, thu hút, dễ thấy và dễ sử dụng, dễ thoát hiểm. Đó cũng là những công trình mà không gian sử dụng có chiều cao khá lớn, nên trang trí trần và tường, cầu thang phải thật thu hút, hoành tráng, hơn là trong nhà ở, căn hộ.


Cầu thang dù tròn hay vuông thì vẫn cần những nét cong để làm duyên và dẫn dắt nhẹ nhàng.
- Luồng khí trong nhà được tạo ra do luồng di chuyển sẽ hình thành và kích hoạt mỗi ngày. Các siêu thị, khách sạn có cầu thang, hành lang và lối đi lại dành cho đông người, liên tục, thậm chí có lúc quá tải vào dịp cuối tuần hay lễ hội. Điều này trái ngược với ngôi nhà vốn chỉ dùng để ở, ít người hơn, các luồng khí mang tính lắng lọc, yên tĩnh hơn, cần giảm bụi bặm, bớt tiếng ồn, tránh sự va chạm…mà một chiếc cầu thang bố trí đưa ngay ra cửa chính thì khó có thể giải quyết tốt được các yêu cầu đó. Hoặc nếu vì lý do tiếp khách thì cần thêm một cầu thang nữa ở bên trong để giải quyết giao thông nội bộ.


Đường cong tại các trung tâm thương mại, nhà hàng luôn là điểm thu hút nhờ tạo hình ấn tượng, rực rỡ.
- Nếu gặp ngôi nhà đã có sẵn cấu trúc khá vuông vức, hình ống, hình hộp, ngăn phòng vuông và đơn điệu... thì cách khắc phục là phải căn cứ vào hướng của nhà, dạng năng lượng của người sống trong nhà ( tĩnh hay động, người trẻ tuổi hay lớn tuổi, nam hay nữ…) để có giải pháp điều chỉnh Cát Hung theo các mức độ khác nhau, cụ thể là:
a/. Nhóm giải pháp che chắn, bố trí giảm bớt luồng di chuyển mạnh và giao cắt: xem xét lại bố cục nhà, tránh đặt phòng ốc liên tục, ngăn chia vụn bằng tường cứng, mở cửa thẳng hàng nhau gây gió hút và hành lang xuyên trục. Đảo vị trí cửa, dùng vách kính mờ để tránh luồng đi lại, luồng nhìn xuyên thấu cũng là cách làm tốt khắc phục trực xung.


Những thủ pháp để hạn chế trực xung trong nội thất như đặt chậu cây, làm bình phong, hay đóng trần uốn lượn trên cao.
b/. Nhóm giải pháp làm mềm không gian bằng đường cong, uốn lượn: Thay vì tác động vào phần cứng, các chuyên gia phong thủy khuyến cáo có thể dùng hệ tấm vách thạch cao hay gỗ uốn lượn, hoặc xử lý trần giật cấp, trần có tạo hình mềm mại để giảm cứng tăng mềm. Khi biết kết hợp với màu sắc bề mặt, chiếu sáng phù hợp thì sẽ vừa gia tăng thẩm mỹ, giảm cảm giác khô cứng, vừa tạo nên ấn tượng khác biệt cho không gian sống.


Quầy bar, điểm nhấn nội thất khác lạ cho không gian sống thêm phần cá tính.
c/. Nhóm sử dụng vật trang trí, cây xanh, mặt nước... để gia tăng tính tự nhiên: bằng cách đặt bình phong, bàn ghế, cây cối, hồ nước... sao cho đường thẳng tạo ra bởi luồng di chuyển trở thành đường uốn lượn mềm mại. các góc nhà vuông hoặc nhọn khi có cây cối đặt vào sẽ trở nên " mềm mại" hơn.
Chuyên gia phong thủy- kiến trúc sư Hà Anh Tuấn
Ảnh : Song Nguyên