Làm nhà thời biến đổi khí hậu luôn cần đề cao yếu tố hài hòa, mát mẻ, cân nhắc giải pháp giữa hình thức kiến trúc với tính năng kỹ thuật sao cho ngôi nhà chịu đựng được sự thay đổi của thời tiết bên ngoài, cũng như tạo nên môi trường sống tốt bên trong. Làm mát không gian và hợp phong thủy luôn là chủ đề cần quan tâm từ ngoại đến nội thất của mọi công trình.
Từ cách xử lý theo hướng:
Trong 4 tiêu chí về phương hướng là Khí Hậu, Mệnh Trạch, Giao Tiếp và Phương Vị, để đánh giá một ngôi nhà nóng nực hay mát mẻ thì chủ yếu xét theo Khí Hậu và Phương Vị.
- Theo hướng Khí Hậu: Ví dụ như hướng Nam và lân cận (Đông Nam và Tây Nam) là những hướng tốt đối với địa lý - khí hậu Việt Nam, có gió mát và ánh sáng ổn định. Trong khi hướng Tây, Tây Bắc thì nắng gắt nóng vào buổi chiều, hướng Đông thì chói vào buổi sáng và chịu thêm gió lạnh từ hướng Đông Bắc lân cận. Do vậy, đa phần các ngôi nhà truyền thống của cha ông ta đều quay cửa chính về hướng lân cận Nam, quay đầu hồi theo trục Đông Tây. Nếu không có được hướng khí hậu phù hợp thì tuổi thọ công trình sẽ giảm, tác động xấu đến người cư ngụ.
- Theo hướng Phương Vị: là hướng của một vùng, một vật ( hay người) ta xét so với một điểm gốc nhằm từ đó bố trí, xếp đặt các không gian vào vị trí thích hợp, bên nào là trái là phải, đâu là trước là sau, từ đó đề xuất ra giải pháp thích ứng. Ví dụ như nói “trước mặt phải thoáng đãng, sau lưng phải có chỗ dựa, Sơn Hoàn Thủy Bao tất Hữu Khí" là ý nói đến trước mặt và sau lưng của một chủ thể. Trên một đoạn đường có các ngôi nhà cùng nhìn về một hướng nhưng có đoạn thấy tốt mà có đoạn thấy xấu, vì hoàn cảnh trước - sau - trái - phải của các phương vị đó khác nhau. Ví dụ nhà có cây xanh che mát phía trước sẽ khác với nhà "phơi" ra nắng gắt.
Như vậy khi xem xét để bố trí một ngôi nhà sao cho mát mẻ hay nóng nực cần dựa vào cơ sở phân tích và tổng hợp nhiều mặt, chứ không đơn giản là “nghe thầy nói hợp hướng Đông Bắc“ thì cố tìm bằng được nhà hướng Đông Bắc, xem nhẹ các yếu tố khác.
Phân tích theo hướng Phương Vị, nếu hoàn cảnh chung quanh, trước sau không thuận tiện thì có thể xoay hướng nhìn, chỉnh cửa... sang các vị trí thuận tiện hơn. Hướng Khí Hậu thì vốn không thay đổi, nên khi chọn nhà hợp Mệnh mà lại gặp hướng nắng gắt, có thể dùng kết cấu bao che, ngăn bớt bức xạ, mở cửa đón gió, thoát nóng ở các hướng tốt hơn. Thậm chí nhà phố hướng Tây chưa chắc đã nóng vì mặt tiền hướng Tây chỉ rộng khoảng 4 đến 5 m có thể che chắn được, còn mặt hông dài được hướng Nam nếu khéo mở giếng trời hoặc cửa sổ trên cao thì vẫn rất mát.
Đến dùng màu sắc trong nhà:
Phong thủy Việt truyền thống không chủ trương dùng màu "lạnh" để làm mát nhà, mà theo những nguyên tắc hài hòa màu sắc hợp tự nhiên, dựa vào đất đai thủy thổ và cung cách xây cất mỗi vùng. Có thể vận dụng vào nhà ở hiện đại các kinh nghiệm dùng màu theo truyền thống và khoa học phong thủy với 4 nguyên tắc sau:
1. Dùng màu theo vật liệu, chú ý đến bề mặt: Sự hài hòa màu sắc luôn là yếu tố quan trọng, trong đó giữ được tính chất của vật liệu sẽ giúp bề mặt nội ngoại thất công trình “ dễ thở” hơn là bề mặt phủ lớp “phấn son” quá nhiều. Đôi lúc những màu sáng tươi gặp ánh sáng hắt vào phản chiếu lại thì có thể gây chói chang hơn là các màu sậm. Các tấm trần hay tường có bề mặt xốp, có khe lỗ rỗng, họa tiết thủng lỗ… cũng giúp thoát nhiệt tốt đồng thời ít phản xạ lại nhiệt lượng và nắng gắt.
![Lam_mat_khong_gian,_tu_huong_den_mau_1](/Data/Sites/1/News/164/Lam_mat_khong_gian_tu_huong_den_mau_1.jpg)
Màu trắng xám và hệ lam che nắng phù hợp là lựa chọn cho bề mặt nhà phố nhận nhiều nắng gắt.
2. Dùng màu theo thiên nhiên: Những ngôi nhà truyền thống sử dụng vật liệu có nguồn gốc thuộc Thổ và Mộc giữ được vẻ gần gũi và dịu mát. Các bảng màu mô phỏng theo thiên nhiên gần đây đã được nhiều hãng sơn nghiên cứu và những màu "chiết xuất” từ tự nhiên vẫn rất được người Việt ưa chuộng như xanh cốm, vàng kiwi, hồng phớt tím, nâu đất… hơn là màu kiểu "công nghiệp" rực rỡ.
![Lam_mat_khong_gian,_tu_huong_den_mau_2](/Data/Sites/1/News/164/Lam_mat_khong_gian_tu_huong_den_mau_2.jpg)
Mảng nhấn bằng vật liệu mộc mạc có tác dụng thư giãn, gần gũi thiên nhiên và giàm hỏa tốt hơn cho nhà.
3. Dùng màu theo công năng và đối tượng: bếp là nơi “bốc hỏa" nhất trong nhà, nên cần dùng những màu nhẹ nhàng, gần thiên nhiên trên tường và trần để đem lại hứng khởi cho công việc bếp núc và giảm cảm giác nóng. Màu trắng (có sắc xanh hay xám) và trung tính( neutral) gần đây thường được ưa dùng vì sự dịu nhẹ, hợp cho phòng làm việc và nơi tiếp khách, sinh hoạt gia đình. Phòng ngủ cần tĩnh lặng nên tông màu dịu và thư giãn (xanh ngọc, xanh dương, trắng phớt tím...) sẽ chiếm ưu thế. Những cặp màu tương phản, màu đột biến rực rỡ thì thích hợp với phòng trẻ em hoặc phòng giải trí.
![Lam_mat_khong_gian,_tu_huong_den_mau_3](/Data/Sites/1/News/164/Lam_mat_khong_gian_tu_huong_den_mau_3.jpg)
![Lam_mat_khong_gian,_tu_huong_den_mau_4](/Data/Sites/1/News/164/Lam_mat_khong_gian_tu_huong_den_mau_4.jpg)
Phối kết mảng màu trên trần nên hài hòa với công năng của không gian, tạo sự thoáng nhẹ chứ đừng đè nặng.
4. Dùng màu theo hướng khí hậu và giao tiếp: Những hướng nắng gắt (Tây Nam, Tây) cần giảm bớt độ chói và độ hút nhiệt, bên ngoài cần dùng những màu nhạt và ít phản quang gắt ảnh hưởng đến nhà chung quanh. Trong khi đó những hướng ánh sáng yếu hơn hoặc thời gian bề mặt nhận sáng ít trong ngày (như hướng Bắc, Đông Bắc) thì nên dùng những màu tươi và phối hợp tương phản. Những hướng đón ánh sáng mạnh như Đông Nam, Nam thì có thể dùng màu sậm và đa dạng hơn, như màu đỏ bã trầu, vàng đất, xanh rêu… tuy khá đậm đà nhưng cũng rất ôn hòa khi dùng với tỷ lệ thích hợp.
![Lam_mat_khong_gian,_tu_huong_den_mau_5](/Data/Sites/1/News/164/Lam_mat_khong_gian_tu_huong_den_mau_5.jpg)
![Lam_mat_khong_gian,_tu_huong_den_mau_6](/Data/Sites/1/News/164/Lam_mat_khong_gian_tu_huong_den_mau_6.jpg)
Màu của phòng ngủ nên được phối kết khéo léo với cách chiếu sáng và sáng tạo trên tường, trần để giảm cảm giác nóng nực.
Chuyên gia phong thủy- KTS. Hà Anh Tuấn
Ảnh : Song Nguyên