Tư vấn từ các chuyên gia của Vĩnh Tường:
Trong các giải pháp xử lý nội thất, đóng trần là hạng mục có nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc nên hay không nên làm. Nếu kết hợp cả yếu tố phong thủy thì đóng trần không đơn giản là che dầm đà hay trang trí cho đẹp.
Dĩ nhiên đóng trần giúp che đà và hệ thống kỹ thuật, nhưng thực tế phải xem xét kỹ hơn. Thuở các tấm trần chưa nhiều, kiểu đóng chưa phong phú thì đa số không gian hay chạy gờ chỉ chung quanh hệ dầm đà đơn giản, đa số bản vẽ thiết kế đều cố gắng bố trí kết cấu sao cho gọn và ít chia cắt không gian bên dưới, hoặc dùng thủ pháp “lật sàn” xuống để tạo những mảng lồi lõm khác nhau (như ở khu vệ sinh, hành lang…). Nhưng hiện nay do "ỷ lại" vào trần nên không ít bản vẽ nội thất bất chấp dầm đà, hạ trần thoải mái dẫn đến tình trạng đóng trần thừa, có thể gây lãng phí cũng như giảm bớt chiều cao của phòng.
Có ý kiến cho rằng với chiều cao các tầng nhà ở hiện nay là 3m2 đến 3m5 thì việc đóng trần xong sẽ còn 2,9m hay 3m là phù hợp về nhiều mặt, còn với văn phòng thì thấp hơn, chỉ khoảng 2m8 là vừa. Tuy nhiên việc thấy không gian thấp hay cao, đẹp hay xấu thì không đơn giản là ở đóng trần, mà phụ thuộc vào cả tường, sàn, đồ nội thất khác nữa. Rất nhiều công trình có nội thất đẹp nhờ hệ dầm đà giao nhau, nhờ cách để lộ đường ống, thậm chí để trần bê tông không tô một cách thô mộc. Có lẽ chuẩn mực của một số khách sạn hay biệt thự cao cấp đóng trần nhiều tầng nấc khiến chủ đầu tư cho rằng chỉ có đóng trần mới có thể làm đẹp, nhưng thực ra đó chỉ là một trong nhiều phương thức trang trí mà thôi.
Về mặt phong thủy, đóng trần hay lộ kết cấu liên quan đến cảm giác an tâm hay không với người sử dụng. Mặt khác phải lưu ý đến bản chất không gian để quyết định trần thế nào. Nếu không gian kiểu truyền thống với bộ mái lợp ngói có hệ rui mè chuẩn mực thì chẳng ai mất công đóng trần che lấp. Ngược lại, không gian phòng tắm hay chỗ ngồi làm việc không cần làm cao mà bên trên có hệ thống đường ống kỹ thuật chi chít thì nên sử dụng tấm trần dạng có thể tháo ráp để thuận tiện sửa chữa, dùng các loại trần kháng ẩm, cách âm, chịu nhiệt… chứ không đơn thuần là tấm thạch cao thường rồi bả bột sơn nước nhẵn nhụi.
Vì thế, để quyết định không gian văn phòng có cần đóng trần hay không và đóng mức độ nào, trước tiên nên khảo sát hiện trạng hệ dầm đà và đường ống kỹ thuật trên trần, phối hợp với bố trí người ngồi làm việc bên dưới để xem nên cấu trúc, phân bố mảng che chắn ( nếu cần) hay để trống, tính toán không gian nội thất sao cho phù hợp . Khi đó đóng trần không chỉ là giải pháp thuần túy trang trí hay che giấu " vật lạ " bên trên, mà còn đúng mức về sử dụng, thuận tiện cho hệ thống kỹ thuật và tiết kiệm chi phí, đạt thẩm mỹ cũng như an tâm về phong thủy.
Chuyên gia: ThS. KTS. Hà Anh Tuấn ( Công ty TV-TK-XD Kiến Xanh)
Mọi câu hỏi thắc mắc có thể viết bình luận tại fanpage http://www.facebook.com/TranNhaDep, gửi email về: tuvan@trannhadep.com hoặc qua hotline: 090 330 6006. Chi tiết chương trình theo dõi tại website www.trannhadep.com.