Mái vững nhà yên

Trong quá trình làm nhà, sau khi lợp được mái (cắt nóc) có thể coi như đã hoàn thành cơ bản phần khung xương, ngôi nhà có bền vững và thuận lợi về trường khí hay không, một phần cũng ở bộ mái. Như mọi thành phần xây dựng khác của ngôi nhà, mái nhà cũng có phần thô và phần hoàn thiện, chất liệu lợp mái liên quan chặt chẽ với chất liệu khác và quyết định đến hình thể của ngôi nhà.

Ngay từ thiết kế ban đầu, việc chọn chất liệu và kiểu làm mái như thế nào sẽ ảnh hưởng nhiều đến hình dáng của ngôi nhà về sau. Một ngôi nhà mái bằng sẽ có cấu trúc và sử dụng không gian tương ứng. Ngược lại, nhà dùng mái dốc thì công năng lẫn hình thức cũng chịu ảnh hưởng bởi độ dốc mái, thu thoát nước...

trannhadep_vachngan

An toàn và bền vững

Để bảo vệ phần trên của nhà, tạo sinh khí thông suốt và ổn định từ trên cao xuống, khi làm mái cần tuân theo nguyên tắc truyền thống là “Bài thủy - Cách nhiệt - Triệt lôi”. Hình ảnh chiếc nón lá truyền thống Việt Nam nhẹ, thoáng, che mưa che nắng đều tốt chính là cách ứng xử hợp với môi trường khí hậu nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều. Trong việc làm nhà cửa cũng vậy, vai trò che chở chống chọi mưa nắng và thoát nước của mái nhà cần ưu tiên hàng đầu, nên phải tạo độ dốc và khả năng thoát nước mưa hợp lý (bài thủy). Nếu là mái bằng cũng phải chú ý che một phần hay toàn phần bằng mái dốc để giảm mưa nắng trực tiếp tác dụng rất dễ gây ngấm dột. Mái dốc, mái bằng hoặc mái hiên luôn cần vươn ra xa so với mặt tường nhà để giảm mưa tạt ngang và thoát nước ra phía ngoài nhà. Cách nhiệt cho mái tốt tức là giảm thiểu lượng nhiệt lưu lại trên và dưới mái đồng thời phải phối hợp cách nhiệt với chống thấm, ví dụ như làm sàn hai lớp kết hợp đổ đất trồng cây. Triệt lôi là những giải pháp thu sét trên mái theo dây dẫn nối xuống cọc tiếp địa chôn sâu dưới đất (hoặc các giải pháp chống sét hiện đại khác), điều mà một số chủ nhà thường không chú ý đến, nhất là khi nhà xây cao hơn so với các nhà xung quanh hoặc nhà làm trong khu vực mới quy hoạch còn trống trải.

Có giải quyết cơ bản những yêu cầu về an toàn thì mái nhà mới không là “chiếc nón” tạm bợ, sai lệch, hoặc cầu kỳ dư thừa. Xu hướng kiến trúc xanh hiện nay cũng đề cao khả năng sử dụng bề mặt sân thượng mái bằng để trồng cây xanh, cách nhiệt hoặc sử dụng cấu trúc “mái chồng mái” nhằm giảm tác động xấu, khai thác không gian và diện tích mái tốt hơn là chỉ làm những bộ mái nặng về hình thức.

Kết cấu và bề mặt

Dù chọn lựa hình thức mái nào thì vẫn phải giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật (thoát nước mưa, chống thấm, chống nóng) và mỹ thuật (hài hòa bao cảnh, kiểu dáng ngôi nhà) song hành với các yếu tố về phong thủy theo nguyên tắc: hình nào thì lý ấy, lý nào thì khí ấy. Hình dáng bên ngoài của mái được xác định bởi nội dung bên trong, bên dưới mái thế nào, ví dụ như mái che buồng thang, mái lấy sáng, mái phòng thờ, mái làm kho... đều có thể nhận ra từ bên ngoài. Những “hội chứng chóp này đỉnh kia” một thời rộ lên nay đã bộc lộ nhược điểm không chỉ về cảnh quan thẩm mỹ, mà còn cả ở mặt cấu tạo, độ bền, tiện dụng, kinh tế. Vì thế chọn lựa kết cấu mái và vật liệu lợp mái nên bắt đầu ngay từ phần thiết kế sao cho hợp lý về không gian trong - ngoài, gắn kết được với môi trường sống, cảnh quan chung chứ không đơn thuần là ý thích cá nhân của gia chủ.

Các phân tích vế kiến trúc truyền thống phương Đông (Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc...) đã chỉ ra rằng: hệ mái dốc có góc mái uốn cong không chỉ là tạo dáng đơn thuần mà còn giúp giảm áp lực gió lên bề mặt mái, thanh lọc luồng khí, làm mát phần không gian dưới mái, giảm bức xạ nhiệt tác động vào bề mặt nhà. Có thể thấy rõ điều này qua kiến trúc đình, chùa và nhà ở dân gian Việt Nam với bộ mái vươn xa, góc mái cong vút với tay đao có tác dụng tán khí xấu, nhận khí tốt mà cha ông ta từng đúc kết qua câu “góc ao đao đình” để nói lên việc kiêng kỵ làm nhà cần tránh mở cửa nhìn ra chỗ tay đao mái đình.

Khi nhà lợp mái dốc, vật liệu lợp mái chính là lớp hoàn thiện (ngói, tôn hay các tấm lợp khác) tương tự như cách thức làm nhà truyền thống. Việc hoàn thiện mái lúc này là giải quyết thoát nước và tránh ngấm dột, sử dụng hiệu quả không gian dưới mái, đóng trần hoặc trang trí hệ kết cấu lợp mái và bên ngoài sao cho hợp với thẩm mỹ cả nội lẫn ngoại thất. Phần trên mái thuần Dương, phần dưới mái thuần Âm, ngày nóng đêm lạnh, mưa nhiều gió mạnh... khiến bề mặt mái cần được chọn lựa kỹ vật liệu và cách thức thi công để đảm bảo khả năng ngăn chặn tác động xấu từ bên ngoài vào nhà. Ví du chọn tôn thì nên dùng loại có lớp cách âm cách nhiệt, tấm trần cách nhiệt... sẽ hiệu quả hơn là tôn thông thường. Còn nếu chọn ngói thì phải tính toán luôn hệ khung xương để lợp tương ứng (như rui mè gỗ, giàn thép hay đúc bê tông dán ngói...). Yêu cầu thoát nước mưa luôn đòi hỏi mái phải có bề mặt dốc tốt - dù là mái bằng - và phân bố máng, ống thoát nước hợp lý. Tránh làm mái có quá nhiều ngóc ngách, giao nhiều mái phức tạp hoặc dùng vật liệu thiếu độ bền lâu dài.

Quan hệ mái và trần nhà

Trần và mái nhà về mặt phong thủy đều là bề mặt kết thúc không gian trên đầu người sử dụng, bởi nếu không có thành phần này thì diện tích xây dựng chỉ là một khuôn viên bao quanh mà bên trên thì hở, trường khí sẽ phân tán và người ở trong chịu nắng mưa trực tiếp. Vì thế khái niệm “mái nhà” đồng nghĩa với một tổ ấm của đời người, một tiểu vũ trụ cần xác lập và ổn định trong đại vũ trụ (thiên nhiên) rộng lớn luôn đầy biển động. Cách hoàn thiện mái và trần vì thế liên quan chặt chẽ đến không gian bên dưới, cần cân nhắc các vị trí đóng trần (ngang hoặc nghiêng) để che được các dầm đà vốn là vật cản làm chuyển hướng dòng khí và tụ bụi bặm, gây xung sát, cũng nhằm bố trí nội thất phù hợp.

Đối với căn hộ chung cư, hoàn thiện trần cũng là hoàn thiện phần “mái” của căn hộ. Kết cấu căn hộ thường không cao nên trần tránh làm nhiều giật cấp phức tạp sẽ đè nén trường khí nội thất, giảm khả năng liên thông và gây phức tạp trong tầm nhìn. Giải pháp dùng màu trắng, sáng sẻ giúp trần thoáng nhẹ hơn, đi kèm theo các bố trí chiếu sáng gián tiếp, hạn chế dùng đèn chùm loại lớn hay quạt trần gây cảm giác đè nặng trên đầu khi mà chiều cao không gian bị hạn chế. Đối với phòng trẻ em, có thể dùng màu đậm cho trần, đi cùng các trang trí mang tính tươi vui và sáng tạo mà vẫn đảm bảo tính sinh khắc trong tương hợp ngũ hành với màu của sàn và tường.

Các tin khác

Cải tạo sân thượng tăng không gian sống

Cải tạo sân thượng tăng không gian sống

Với nhu cầu gia tăng diện tích sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt trong nhà, nhiều gia đình tại các thành phố mong muốn cải tạo khu vực sân thượng thành các phòng chức năng như phòng giải trí, phòng đọc sách hoặc nơi tụ họp bạn bè tiệc tùng. Dưới đây kiến trúc sư Trần Hoài Nam sẽ đưa ra những lưu ý quan trọng khi cải tạo không gian này. 
Giải pháp gia cố cho trần và vách ngăn

Giải pháp gia cố cho trần và vách ngăn

Công trình bạn có trần quá cao hay có nhiều vị trí treo vật nặng? Hay bạn lo lắng các vị trí trần, vách treo TV, quạt, đèn,... trong gia đình bị nứt, hoặc thậm chí là đổ, sập? Giải pháp gia cố của Vĩnh Tường sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề đó!

Tổng đài tư vấn miễn cước toàn quốc:1800-1218


CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHIỆP VĨNH TƯỜNG

Website: www.vinhtuong.com

Miền Nam:  Tầng 8 - Tòa nhà SOFIC, Số 10 Đường Mai Chí Thọ, Quận 2, Thành Phố Hồ Chí Minh

Chi nhánh Miền Bắc: Phòng 1402, Tòa nhà Lilama 10, đường Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.


Nhận thông tin từ Vĩnh Tường

Copyright © 2015 - 2024 Trần Nhà Đẹp