Trong các giải pháp trang trí nội thất, đóng trần là dạng hay thay đổi theo thị hiếu và có nhiều ý kiến ngược chiều nhau về việc nên hay không nên đóng trần. Thực tế cho thấy, đóng trần không đơn giản là che dầm đà hay trang trí cho đẹp.
Đóng trần che gì?
Câu hỏi có vẻ thừa, thì dĩ nhiên là che đà và hệ thống kỹ thuật chứ gì! Nhưng thực tế thì không như vậy. Thuở các tấm trần chưa nhiều và kiểu đóng chưa phong phú thì đa số nhà ở hay chạy phào chỉ chung quanh dầm đà, tô hoa văn thạch cao hoặc ximăng. Và khi đó đa số bản vẽ thiết kế đều cố gắng tính toán hệ dầm đà sao cho gọn và ít chia cắt không gian bên dưới, hoặc dùng thủ pháp “lật sàn” xuống để tạo những mảng lồi – lõm khác nhau (như ở khu vệ sinh, hành lang…). Kỹ sư Phạm Châu Hoàng – công ty Thổ Mộc nhận định: nhiều anh kiến trúc hiện nay không cần xem bản vẽ dầm đà lầu trên bố trí thế nào, cứ “phang” trần tuốt luốt hết. Từ đó dẫn đến tình trạng đóng trần thừa và giảm bớt chiều cao thông thuỷ của phòng.
Nếu như không gì để che cả thì… đóng trần làm gì? KS Lê Quang Trân (công ty Kiến Xanh) cho biết, anh luôn giảm thiểu việc đóng trần vì đơn giản là đã tính toán “chạy” dầm đà sao cho không băng qua các không gian sử dụng bên dưới, hoặc nếu có thì cũng là một thành phần trang trí. Nếu cần có thể xây tường gạch 20cm để tạo dáng cho tường kết hợp che luôn phần đà biên lộ ra.
Trần kết hợp làm che khe rèm cửa và trang trí khá thẩm mỹ
Đóng trần tăng thêm chi phí, mà cụ thể nhất là kéo theo hệ thống đèn khá chi chít mà nhiều gia chủ than rằng: ít khi xài tới nhưng không lẽ làm trần giật cấp, khoét lõm, uốn lượn đủ kiểu mà… không gắn đèn?
Có lập luận cho rằng với chiều cao các tầng nhà ở hiện nay là 3,2 – 3,5m thì việc đóng trần xong sẽ còn 2,9m là vừa, đỡ hao máy lạnh và dễ trang trí hơn. Nhưng thực ra máy lạnh khi dùng muốn biết hao hay không phải tính toán liên quan đến khối tích căn phòng (bao gồm cả dài, rộng và cao) chứ không chỉ hạ trần thấp là xong. Còn việc trang trí khó hay dễ thì không đơn giản là nhờ đóng trần, mà phụ thuộc vào tường, sàn, đồ nội thất… nữa.
Rất nhiều công trình có nội thất đẹp và nổi tiếng thế giới nhờ hệ dầm đà giao nhau, nhờ cách để lộ đường ống trên trần, thậm chí để trần bêtông không tô một cách thô mộc. Có lẽ chuẩn mực của một số khách sạn hay biệt thự cao cấp đóng trần nhiều tầng nấc khiến gia chủ cho rằng chỉ có đóng trần mới có thể làm đẹp cho nội thất, mà thực ra đó chỉ là một trong nhiều phương thức trang trí mà thôi.
Trần trong một quán cá phê khá độc đáo, nhưng nếu áp dụng kiểu này vào nhà ở thì nên cân nhắc kỹ xem có phù hợp hay không
Hãy ngước mắt lên nhìn
Các kiến trúc sư đi thi công lâu năm đều cho rằng, nói ra thì ngại các hãng cung cấp tấm trần phật lòng, nhưng trong nhà ở dân dụng đâu cứ phải đóng trần là đẹp như công trình văn phòng hay khách sạn. Mặt khác, vật liệu đóng trần còn rất nhiều loại với tính năng phù hợp tuỳ theo mục đích sử dụng của không gian. Và nếu như không gian mang tính truyền thống với bộ mái có hệ rui mè lợp ngói chuẩn mực thì chắc chắn không nên nghĩ đến việc đóng trần. Ngược lại, không gian phòng tắm hay các phòng làm việc không cần làm cao mà bên trên có hệ thống đường ống kỹ thuật thì nên đi ống lộ bên dưới sàn, rồi sử dụng tấm trần dạng có thể tháo ráp để thuận tiện sửa chữa, và nên dùng các loại tấm trần kháng ẩm, cách âm, chịu nhiệt… chứ không đơn thuần là tấm thạch cao rồi bả bột sơn nước nhẵn nhụi.
Vì thế, hãy lưu tâm đến các bản vẽ dầm đà kết cấu, kiểu đóng trần và tính toán không gian nội thất sao cho đóng trần không chỉ là giải pháp thuần tuý trang trí hay che giấu dầm đà, mà là biểu hiện sự hợp lý về kết cấu, thuận tiện cho hệ thống kỹ thuật và tiết kiệm chi phí mà vẫn đạt yếu tố thẩm mỹ.