Câu hỏi khá thú vị, rõ ràng có nhiều chi tiết ngỡ như bình thường, ngỡ như đương nhiên trong một ngôi nhà nhưng lại trở nên bất thường với những ai ưa sáng tạo, thích tìm tòi chịu khó đặt câu hỏi "tại sao". Lời giải thích cho trường hợp trần nên làm màu trắng hoặc màu sáng hơn tường được các chuyên gia tập trung chủ yếu quanh các vấn đề: giúp nhà trông cao hơn, trần sáng màu giúp ánh sáng đèn trên trần phản xạ xuống nhiều hơn là trần sậm màu, và trần cùng với dầm bê tông sơn màu sáng đỡ tạo cảm giác có những mảng gì đó hay thanh xà đậm màu đà " đè" lên trên đầu người cư ngụ.
Đó là cảm giác mà phong thủy gọi là " hình nào thì thế ấy ", những hình ảnh và màu sắc nào đó có thể tạo ra cái "thế" thuận hay nghịch trong mắt người quan sát, và cần phải chọn hình thế phú hợp để đem đến cảm giác an tâm hơn. Như vậy, khi các vấn đề kể trên (trông cao hơn, phản xạ ánh sáng, cảm giác đè nén...) mà giải quyết được, hoặc không còn quan trọng, không có tác động đến không gian bên dưới nữa, thì có nghĩa là không nhất thiết phải làm trần nhà màu trắng hay sáng màu. Câu trả lời dứt khoát trên đã được minh chứng trong các ví dụ dưới đây, gia chủ có thể tham khảo để đưa ra quyết định sau cùng của mình:
Thay vì sơn trần ban công màu trắng như mọi nhà khác, kiến trúc sư đã dùng màu nâu cà phê để " nhấn" vào các mảng ban công của biệt thự này. Kết quả là hệ thống dầm đà, cột tròn, khung cửa, đèn âm... trở nên nổi bật, tách bạch và thực sự khác biệt mà nếu làm theo lối thông thường sẽ không được như vậy. Dĩ nhiên, nhà thiết kế nhấn mạnh rằng: đó là ý tưởng ngay từ đầu, được tính toán trên phối cảnh, chứ không phải làm nhà xong rồi mới đi đổi màu sơn là xong đâu nhé! Bạn sẽ cần quan tâm đến hình khối, ý đồ tạo hình, điểm nhấn, chính phụ... của tổng thể công trình để quyết định xem có thể làm sậm màu trần ban công ở đâu, chỗ nào, bao nhiều thì vừa.
Trần ban công màu nâu cà phê tạo điểm nhấn cho ngôi biệt thự
Cũng nằm trong " ý đồ" ban đầu của người thiết kế, các không gian nội thất cần sự quây quần ấm áp này đã chọn lựa màu nóng, màu đậm như cam, vàng, đỏ sậm... ngay từ đầu cho các mảng trần. Cảm giác có bị " đè đầu - cưỡi cổ " hay không nằm ở tỷ lệ to nhỏ, quan hệ với không gian chung quanh và vị trí của người sử dụng bên dưới mảng trần ( hay dầm, đà ).
Khi phối kết tốt với hệ thống đồ gỗ, trần thạch cao uốn cong, giật cấp và sơn sậm màu tại đây đã trở thành điểm nhấn đắt giá cho không gian nội thất.
Nhà thiết kế đã mạnh dạn dùng màu nâu của mảng gỗ cầu thang làm chủ đạo để ăn lan ra ban công gác lửng, tạo nên sự phân biệt rõ rệt trong bối cảnh nội thất dùng toàn màu trắng của tường và tủ kệ. Mảng gỗ cầu thang và trần sậm màu này không những tạo sự đồng bộ mà còn có vai trò thu hút, dẫn dắt thị giác khá tốt, cho thấy một lối thiết kế nội thất khá hiện đại và ấn tượng, không hề làm cho căn phòng thấp xuống hay chật hẹp đi.
Các góc nhìn khác nhau của một căn hộ thuộc diện mini, khá nhỏ và tận dụng tối đa diện tích.
Gỗ nhân tạo, lam gỗ hoặc tấm thạch cao sơn màu gỗ khi sử dụng đúng chỗ cũng là một cách thức ưa dùng của những không gian công cộng muốn tạo ấn tượng mạnh, như hình ảnh góc căn tin và thư viện ở văn phòng làm việc trong hình dưới đây. Không nhất thiết cứ phải phẳng và cứ phải trắng mới gọi là trần, các nhà thiết kế ở đây đã dùng ngôn ngữ kiểu "hang động" để dẫn dắt các mảng miếng " ăn lan" từ sàn lên tường ( cùng với tủ kệ) và tạo vòm, tạo thanh, tạo nên những uốn lượn vừa đồng nhất vừa độc đáo, có sức lan tỏa khá mạnh trong không gian.
Không nhất thiết cứ phải phẳng và cứ phải trắng mới gọi là trần
Mọi câu hỏi thắc mắc hoặc muốn biết thêm thông tin về giá thi công trần thạch cao TPHCM và các khu vực khác, bạn có thể viết bình luận tại fanpage http://www.facebook.com/TranNhaDep, gửi email về: tuvan@trannhadep.com hoặc qua hotline: 090 330 6006. Chi tiết chương trình theo dõi tại website www.trannhadep.com.
Tư vấn: ThS. KTS. Hà Anh Tuấn ( Công ty TV-TK-XD Kiến Xanh)
Ảnh: Ngọc Hân