Dịp hoàn thiện, trang hoàng nhà cửa cuối năm cũ đầu năm mới luôn là cơ hội để gia chủ cũng như nhà thiết kế đem lại sinh khí tươi tắn, kích hoạt các nguồn năng lượng cho không gian sống. Chọn đèn trang trí vì thế không chỉ là việc chọn thiết bị chiếu sáng, mà còn là những cân nhắc, điều chỉnh ở phần không gian, giúp cho các bề mặt chiếu sáng được thẩm mỹ hơn và hợp phong thủy hơn.
Từ tương hòa đến tương phản
Theo quy luật cân bằng âm dương, ánh sáng trong nhà cần được phân bố hợp sinh hoạt và không gian tương ứng. Nếu nhà phố có nhiều tầng thì càng xuống dưới các tầng thấp (âm thịnh hơn) thì càng cần sử dụng đèn bổ sung ánh sáng vào ban ngày nhiều hơn, đồng thời cách chiếu sáng đi cùng màu sơn nội thất cũng cần những màu trung tính và sáng sủa hơn để đem lại cảm giác nhẹ nhõm và thư giãn hơn. Thực tế chứng minh cùng một loại đèn, một cách thức chiếu sáng nhưng nếu bề mặt trần, tường và sàn khác nhau thì hiệu quả thẩm mỹ và phong thủy sẽ khác biệt rõ rệt. Thông thường để đạt sự đồng điệu thì giải pháp tương hòa hay được chọn. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp, xử lý bề mặt để chiếu sáng theo lối tương phản lại hữu dụng hơn.
Không gian kiểu cổ điển, sảnh thông tầng cao sẽ phù hợp dạng trần cân đối, đi cùng chiếu sáng tập trung, rực rỡ
Tương hòa là cách thứ bố trí đèn cho từng phòng có sự đồng bộ với toàn nhà về đường nét, hình khối, tông màu và phong cách. Ví dụ như nội thất chủ yếu theo lối hiện đại, bề mặt trắng sáng nhiều ( thiên về dương) thì chọn đèn nên theo gu thiết kế đương đại đơn giản, ánh sáng hắt gián tiếp mềm mại, đèn giấu đi ( tính âm nhiều hơn) để cân bằng lại. Còn khi nhà theo phong cách cổ điển, nhiều chi tiết chạm trổ thì nên chọn cách chiếu sáng theo điểm để bật lên chi tiết nhiều hơn. Thậm chí một số biệt thự, khách sạn, resort theo phong cách đồng quê đã phải tìm mua hay thiết kế riêng hệ thống đèn đúng kiểu dáng, niên đại của phong cách nội thất đó.
Nếu chọn cách thứ hai là tương phản thì dựa vào sự đối lập để nổi bật yếu tố chính, tách bạch phông nền với đối tượng chủ đạo. Ví dụ, phòng sinh hoạt, phòng trẻ em thì cần những mảng trần thạch cao uốn lượn sinh động, cần các bộ đèn dạng khối bo tròn, như một chủ ý tạo điểm nhấn khác biệt. Hoặc không gian đón tiếp là dạng tường cong ( thuộc Kim) thì đèn nên chọn dạng chùm tập trung ( thuộc Hỏa, xung khắc) để vừa đảm bảo sự nổi bật trong không gian, vừa là một cách khai thác tốt sự lan tỏa của ánh sáng lên bề mặt cong.
Không gian vừa phải, nội thất cổ điển sẽ hợp kiểu chiếu sáng phân tán, có điểm nhấn nhẹ và đèn đồng điệu
Khi bề mặt đặt đèn ( trần hay tường) dùng sơn hay vật liệu ốp lát sậm màu như gạch, đá, gỗ…thì đèn cần có ánh sáng mạnh, kiểu dáng nổi bật để đem lại sức hấp dẫn, tăng chiều sâu và kích thích các năng lượng sáng tạo. Còn khi không gian thuần màu trung tính theo kiểu tối giản, ít chi tiết, thì những mảng đèn rộng hoặc khe trần, vách ngăn nhẹ đục lỗ cho ánh sáng hắt ra sẽ tương hòa trong không gian hơn. Đây cũng là cách thức dẫn truyền khí và năng lượng hữu hiệu của phong thủy hiện đại.
Ánh sáng theo phương hướng và công năng
Ngoài hướng khí hậu đông- tây- nam- bắc thông thường, bố trí ánh sáng nhân tạo cho nội thất còn cần sự quan tâm đến các loại hướng sau:
- Hướng giao tiếp: tùy theo giao tiếp đối nội hay đối ngoại mà sử dụng ánh sáng phù hợp. Ví dụ sảnh đón khách hướng trước nhà thì tính Dương cao, cần chọn những loại đèn rực rỡ hơn là sảnh phụ, lối đi phía sau. Hoặc trong phòng khách cũng đều có salon, ti vi, tủ kệ như phòng sinh hoạt gia đình, nhưng thiết kế trần mỗi phòng có cách thức, tầng bậc khác nhau, phòng khách có thể thêm đèn chùm để gia tăng tính nổi bật khi tập trung đông người, trong khi phòng sinh hoạt thì ít đèn hơn, ánh sáng phân tán và dịu nhẹ hơn.
Mảng tường thạch cao dùng đèn hắt dịu nhẹ làm chỗ dựa bình ổn tại góc sinh hoạt quây quần
Hướng phương vị: là hướng tính toán dựa theo chủ thể xem xét. Ví dụ, phòng ngủ thì vị trí nằm trên giường là chủ thể chính, các vùng chung quanh- trên đầu- dưới chân sẽ có các phương vị tốt hay xấu so với tuổi gia chủ và nhu cầu sử dụng. Từ đây suy ra kiểu chiếu sáng ứng với kiểu trần và trang trí tường thích hợp. Cụ thể, vùng tường trên đầu giường có thể dùng mảng thạch cao có đèn hắt nhẹ nhàng làm chỗ dựa ổn định, tránh dùng đèn rọi gay gắt, trực tiếp. Còn các vùng xa giường nên dùng đèn có chân đứng hay đèn thả để tạo điểm kích hoạt khí. Không thể “ rải đèn” tràn lan, đều đặn mà không chú ý đến phương vị và cấu trúc nội thất xoay quanh chủ thể.
Xử lý trần nhiều cấp, uốn lượn theo hành Thủy, Kim khá phù hợp tại không gian showroom, phòng sinh hoạt gia đình, phòng trẻ em
Ánh sáng theo công năng: Khác với đèn chiếu sáng cơ bản, đèn trang trí thường được chọn sau khi đã hoàn thành xây dựng để gia chủ có thể phối hợp với các thành phần khác như đóng trần, tranh ảnh, rèm cửa, bàn ghế… Ánh sáng theo các sắc độ của Ngũ hành cũng cần tương sinh hài hòa với công năng và gia chủ, ví dụ phòng ngủ vốn thuộc Mộc nên dùng ánh sáng vàng nhẹ ( Thổ ) có thể điểm thêm ánh xanh ( Thủy ), phòng làm việc nên lấy ánh sáng trắng ( Kim ) làm chủ đạo, có bổ sung ánh sáng vàng ( Thổ) để tương sinh. Gia chủ mạng Hỏa sẽ hợp hơn với ánh sáng xanh lá cây, vàng và cam, với kiểu đèn có nhiều góc nhọn, hình chóp. Trong khi người mạng Thủy sẽ thiên về ánh sáng trắng và xanh biển, kiểu trần tạo dáng mềm mại hoặc tròn ( Kim sinh Thủy) là hợp.
Các bề mặt trần cho phòng nghe nhạc bố trí lồi lõm sẽ phù hợp với nhu cầu trang âm và chiếu sáng theo phong cách riêng
Phong thủy có câu “ Hình nào thì Khí ấy, Khí nào thì Lý ấy” để nói lên triết lý chọn lựa biết cân nhắc giữa các nhu cầu và ham muốn, không để Hình bên ngoài át Khí bên trong, không để sự rực rỡ thu hút làm quên đi vai trò tăng cát giảm hung của các thành phần cấu thành nên nội thất.
Chuyên gia phong thủy - Kiến Trúc sư Hà Anh Tuấn
Ảnh: Song Nguyên